Bạn có biết?
Cơ thể người chúng ta chiếm 65%. là nước. Dòng nước chảy qua máu, mang theo ôxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào và tống chất thải ra ngoài cơ thể. Nó làm đệm cho khớp và các mô mềm. Không có nước khi ăn uống hằng ngày, chúng ta sẽ không thể tiêu hóa hoặc hấp thụ thức ăn. So với ăn thì nhu cầu về nước uống của con người cao hơn rất nhiều.
Bạn có biết?
Người ta có thể nhịn ăn 3 tuần hoặc lâu hơn nữa mà vẫn sống. Nhưng nếu nhịn uống trong 3 ngày thì sẽ bị chết khát.
Và bạn có hay chăng?
Hiện nay Trái Đất đang nóng dần lên do tăng hiệu ứng nhà kính, tình trạng dân số thế giới tăng quá nhanh do sinh đẻ không có kế hoạch, nạn phá rừng bừa bãi, tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường diễn ra ở khắp nơi. Nguy cơ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường đang lan rộng trên khắp hành tinh, nguồn nước sạch đang trở nên quý hiếm hơn lúc nào hết. Diễn đàn của Liên Hợp Quốc tổ chức vào giữa tháng 3 năm 1997 tại Ma Rốc đã cảnh báo: “Thiếu nước ngọt là một nguy cơ hiển nhiên của loài người, dự báo đến năm 2025 sẽ có 52 quốc gia gồm 3 tỉ người sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng, đến năm 2230 nguồn nước ngọt sẽ cạn kiệt hoàn toàn nếu loài người không có biện pháp bảo vệ, trong khi nhu cầu về nước sẽ ngày càng tăng”.
Dự Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 19 tại Ba Lan, trưởng đoàn đàm phán Philiipines đã có bài phát biểu khiến cả thế giới chết lặng trong đó có đoạn: “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?”...Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ ấy, ngay tại đây, hãy biết nhìn thẳng vào sự thật, đừng quay lưng với sự an nguy của chính mình. Nếu ai đó còn chưa thể tin, thì tôi thách người đó dám đến các đảo ở Thái Bình Dương, ở Ấn Độ Dương và nhìn mực nước biển đang dâng lên; đến những vùng đồi núi ở Himalayas và Andes để nhìn các cộng đồng người đang đương đầu với lũ lụt do băng tan; đến vùng Bắc Cực, nơi các cộng đồng cố bấu víu vào các đỉnh băng đang bị thu hẹp nhanh chóng; đến các vùng đồng bằng rộng lớn, vùng sông Hằng, Amazon, sông Nile, nơi sinh kế và sinh mạng con người đang bị nhấn chìm, tới đồi núi vùng Trung Mỹ, nơi đang phải đối mặt với những cơn bão hung dự tương tự; tới những đồng cỏ khô châu Phi, nơi biến đổi khí hậu cũng đang trở thành vấn đề sống còn khi thực phẩm và nước trở nên khan hiếm. Cũng xin đừng quên những trận bão lớn ở Vịnh Mexico và Duyên hải miền đông Bắc Mỹ”
Cùng chung thực trạng đó, ở nước ta những con sông thơ mộng ngày xưa như sông Nhuệ, sông Cầu ở miền Bắc; sông Thị Vải, Đồng Nai ở miền Nam đến nay đang dần trở thành những con sông chết. Sông Hồng cạn kiệt, đe dọa nghiêm trọng chất lượng sống của cư dân ven sông; nhiều sông ở miền Trung - Nam Bộ có hiện tượng cạn kiệt gây sa mạc hóa. Những làng ung thư xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam mà nguyên nhân trực tiếp là do nguồn nước và môi trường bị nhiễm độc. Sự cố Fomusa là một trong những điển hình nhất về hiện tượng trên, chất thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lí đã khiến cho thủy sản chế hàng loạt, làm tổn thất đến nền kinh tế, đến đời sống người dân, đến nay hậu quả đó vẫn còn dai dẳng và không ai dám chắc là sẽ không có nguy cơ nhiễm độc nhiều lần nữa nếu chúng ta không biết quản lí và bảo vệ môi trường.
Vấn đề thiếu nước sạch đang diễn ra ngày càng phổ biến không chỉ ở các đô thị như Hà Nội ,TP Hồ Chí Minh,… mà ngay ở những vùng nông thôn như địa phương chúng ta nhiều nhà cũng không đủ nước, nhiều gia đình phải đi xin từng thùng nước để dùng. Nhưng có những gia đình thì dùng vô tội vạ, lãng phí, nước xả thải ra rất nhiều, rất bừa bãi.
Theo ý kiến của đại biểu quốc hội khóa XIV cảnh báo: “nếu không dự báo ngay từ bây giờ, kiểm soát chặt chẽ việc xử lý nguồn nước ở các dòng sông của đất nước thì dự báo trong tương lai gần có thể là nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và chính sự sống của dân tộc ta, nguy cơ phải nhập khẩu nước ngọt là điều đáng báo động”
Có một thực tế là ở địa phương chúng ta hiện nay hầu hết các gia đình đều đang sử dụng nguồn nước từ giếng khơi hoặc giếng khoan. Nước rất nhiều không phải mua, lại là của nhà mình nên thích dùng bao nhiêu thì dùng, xả bao nhiêu cũng được, càng chẳng cần quan tâm đến chất lượng nước thế nào có bị ô nhiễm hay không vì ai cũng nghĩ nước ở sâu trong lòng đất là quá yên tâm rồi. Trong khi nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ô nhiễm bởi nhiêu nguyên nhân như:
- Vứt chất thải, xả nước thải sinh hoạt một cách bừa bãi ra môi trường.
-Trong sản xuất nông nghiệ, việc sử dụng dư thừa phân hóa học và thuốc trừ sâu.
- Cùng với quá trình công nghiệp hóa ở địa phương, chất thải công nghiệp đang ngày càng tăng xả chưa qua xử lý một cách rất bừa bãi,… Các loại chất thải, nước thải đó khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm và khi nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm thì tiếp theo đó nguồn nước ngầm cũng sẽ bị ô nhiễm.
Bạn đã bao giờ tự hỏi về nguồn nước mình đang dùng có còn toàn nữa hay hay không? Đã bao giờ bạn có suy nghĩ là phải có một hành động để bảo về nguồn nước, bảo về môi trường sống quanh mình. Đã bao giờ bước chân của bạn biết dừng lại trước một mẫu rác trên đường đi, với tay vặn một vòi nước đang chảy hoang phí. Nếu bước chân bạn điềm nhiên dẫm lên rác, bàn tay của bạn vô tình để mặc vòi nước chảy thì bạn đang góp phần hủy diệt thế giới này.
Có thể bạn nghĩ những điều tôi đang nói đây là chuyện xa xăm của thế giới rộng lớn ngoài kia, là việc cỏn con không liên quan gì đến cuộc sống của bạn, thì bạn thật sự đang sai lầm. Việc Trái Đất đang nóng lên có thể bạn chưa hình dung được, nhưng mùa hè năm 2017 bạn phải chịu những cơn nóng chưa từng có trong lịch sử là điều có thật. Nhiệt độ ngoài trời cao tới múc mặt đường nhựa có thể rán được trứng chín, cá trong ao hồ chết hàng loạt, mùa màng hạn hán, khô hạn là điều bạn được chứng kiến ngay xung quanh làng mạc của mình, điều đó không còn xa vời, biến đổi khí hậu đã hiện hữu rất gần chúng ta. Đồng bằng sông Cửu Long và các đồng bằng ven biển của nước ta đang đứng trước nguy cơ thu hẹp do mực nước biển dâng, trong đó chắc hẳn có những thuở ruộng của gia đình bạn, Giếng nhà bạn thiếu nước trong mùa khô là một phần do bạn phung phí nguồn nước ngầm được chảy ra từ những vòi nước vô tình kia. Cá tôm bạn đang ăn hàng ngày vào cơ thể biết đâu có sự đồng hành của kim loại chì , phenol cực độc, từ thuốc trừ sâu, trừ cỏ cha mẹ và gia đình bạn phun lên đồng ruộng mỗi ngày, tất cả những điều đó không chỉ ảnh hưởng đến bạn , đến tôi mà còn ảnh hưởng đến cả đời cháu con của chúng ta sau này.
Ngay từ ngày hôm nay, sau khi kết thúc bài phát biểu này mong bạn hãy đừng đồng hành với những vô tình, hãy lên án những hành động thiếu ý thức. Hãy vặn khóa vòi nước lại sau khi đã sử dụng xong, chỉ lấy vừa đủ số lượng nước để dùng, không xả thải nước bừa bãi, hãy sử dụng nguồn nước tiết kiệm có hiệu quả, hãy làm sạch môi trường ngay từ nơi ở của mình, từ ngôi trường thân quen mà hàng ngày bạn đang học tập và làm việc. Hãy tắt khi không sử dụng, có ý thức tiết kiệm điện và các năng lượng quanh bạn. Hãy quan sát xung quanh để nhặt đi những mẩu giấy vụn dưới chân, trong lớp học, trên sân trường và những nơi cộng cộng.
Vì ít nhất trên sân trường này, nguồn nước sạch không phải tự nhiên mà có, môi trường xanh sạch đẹp không phải tự xuất hiện, mà đó là công sức rất lớn của các thầy trong BGH , của hội đồng sư phạm nhà trường, của hơn 1500 học suinh chung tay xây dựng và ngày ngày bảo vệ, vun trồng.
Hãy cùng chung tiếng nói cho môi trường sống an toàn, bền vững, hãy dành ít nhất một ngày vì Trái Đất xinh tươi của chúng ta.